0967701313 - 

(Đăng lúc: 24/12/2019 10:49:40 AM)
TƯƠNG TÁC THUỐC TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG
Tương tác thuốc là sự thay đổi tác dụng của một thuốc khi được sử dụng đồng thời với thuốc khác, dược liệu, thức ăn, đồ uống hoặc hóa chất khác. Kết quả có thể là tăng hoặc giảm tác dụng và độc tính của một số thuốc hay cả hai, gây nguy hiểm cho bệnh nhân hặc làm mất hiệu quả điều trị, hoặc cũng có thể làm thay đổi các kết quả xét nghiệm, đôi khi còn xuất hiện những tác dụng dược lý mới (khi sử dụng riêng từng thuốc thì không có tác dụng dược lý này). Đa phần tương tác thuốc dẫn đến tác dụng bất lợi, gây hại trên bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn có tương tác mang lại lợi ích và được ứng dụng trong điều trị như phối hợp một thuốc hạ huyết áp và một thuốc lợi tiểu để đạt hiệu quả tốt hơn trong điều trị, hay phối hợp hai thuốc điều trị đái tháo đường để kiểm soát nồng độ đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2.

     Tương tác thuốc được phân loại thành hai nhóm dưạ trên cơ chế của tương tác, bao gồm tương tác dược động học và tương tác dược lực học.

     Tương tác dược động học (pharmacokinetic interactions) là tương tác tác động lên các quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ của thuốc trong cơ thể. Từ đó, làm sự thay đổi một hay nhiều các thông số động học cơ bản của các quá trình này, dẫn đến thay đổi tác dụng dược lý hoặc độc tính của thuốc. Loại tương tác này xảy ra trong suốt quá trình tuần hoàn của thuốc trong cơ thể, khó đoán trước và không liên quan đến cơ chế tác dụng của thuốc.

     Tương tác dược lực học (pharmacodynamic interactions) là những tương tác xảy ra tại các thụ thể (receptors) của thuốc. Tương tác có thể xảy ra trên cùng một thụ thể hoặc trên các thụ thể khác nhau, tương tác loại này gặp khi phối hợp các thuốc có tác dụng dược lý hoặc tác dụng phụ tương tự nhau hoặc đối kháng nhau. Đây là loại tương tác đặc hiệu, các thuốc có cùng cơ chế sẽ có cùng một kiểu tương tác dược lực học. Tương tác dược lực học không làm biến đổi các thông số dược động học mà làm biến đổi khả năng đáp ứng của bệnh nhân đối với thuốc. Kết quả phối hợp thuốc có thể dẫn đến tăng hiệu quả hoặc độc tính (hiệp đồng) hoặc ngược lại, giảm tác dụng (đối kháng).

    Tương tác hiệp đồng gặp khi phối hợp các thuốc có tác dụng trên cùng một hệ thống sinh lý. Ví dụ: Phối hợp các thuốc giảm đau - chống viêm không steroid (NSAID) với thuốc giảm đau opioid để tăng hiệu quả giảm đau.

     Tương tác đối kháng là loại tương tác xảy ra khi dùng đồng thời hai thuốc gắn trên cùng một thụ thể hoặc các thuốc có tác dụng sinh lý đối lập nhau. Hậu quả là giảm hoặc mất tác dụng của thuốc. Ứng dụng của loại tương tác này là để giải độc khi ngộ độc thuốc. Ví dụ: dùng naloxon để giải độc morphin.

     Hiện nay, hàng ngày một người bệnh có thể phải dùng nhiều thuốc khác nhau để điều trị bệnh. Tương tác thuốc giữa các thuốc này là hoàn toàn có thể xảy ra, có thể để lại những hậu quả to lớn, không chỉ gây ảnh hưởng có hại nghiêm trọng trên bệnh nhân, thất bại trong điều trị mà còn ảnh hưởng đến uy tín bác sỹ, cơ sở khám chữa bệnh, chi phí điều trị và chi phí xã hội. Vì vậy, việc cảnh báo tương tác thuốc - thuốc với danh sách ngắn gọn những tương tác thuốc cần chú ý là rất cần thiết với người kê đơn. Nhận thấy tầm quan trọng này, nhiều bệnh viện trong cả nước đã xây dựng danh mục các thuốc có tương tác trên lâm sàng để cảnh báo cho bác sĩ khi kê đơn thuốc điều trị bệnh cho người bệnh. Trên cơ sở đó, đơn vị Thông tin thuốc - Khoa Dược - Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đã tổng hợp những cặp tương tác chống chỉ định phối hợp với các hoạt chất đang có tại bệnh viện để góp phần nâng cao tính an toàn hiệu quả khi sử dụng thuốc (theo bảng).

 

TT

Thuốc 1

Thuốc 2

Hậu quả

Mức độ - Xử trí

1

Clopidogrel

Fluconazol

Giảm hiệu quả của clopidogrel

CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp. Nếu phải dùng thuốc chống nấm: cân nhắc dùng itraconazol (tương tác không có ý nghĩa lâm sàng).

2

Statin (atorvastatin,

simvastatin)

Itraconazol

Tăng nguy cơ bệnh cơ hoặc tiêu cơ vân cấp (đau cơ, mỏi cơ, yếu cơ).

Itraconazol - simvastatin: CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp.

Itraconazol - atorvastatin: nên tránh phối hợp. Nếu phối hợp: liều atorvastatin không vượt quá 20mg/ngày. Theo dõi nguy cơ bệnh cơ hoặc tiêu cơ vân cấp. Thay atorvastatin, simvastatin bằng fluvastatin, rosuvastatin. Thận trọng với fluconazol.

3

Statin (atorvastatin,

simvastatin)

Macrolid (erythromycin,

clarithromycin)

Tăng nguy cơ bệnh cơ hoặc tiêu cơ vân cấp (đau cơ, mỏi cơ, yếu cơ).

Erythromycin, clarithromycin -simvastatin: CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp.

Erythromycin, clarithromycin - atorvastatin: nên tránh phối hợp.

Nếu phối hợp: liều atorvastatin không vượt quá 20 mg/ngày. Theo dõi nguy cơ bệnh cơ hoặc tiêu cơ vân cấp. Thay atorvastatin, simvastatin bằng fluvastatin, rosuvastatin hoặc thay erythromycin, clarithromycin bằng azithromycin.

4

Chẹn kênh canxi

(diltiazem, nimodipin,

nifedipin, felodipin)

Carbamazepin

Tăng nguy cơ độc tính của carbamazepin

(chóng mặt, nhìn đôi, mất điều hòa vận động, rối loạn tâm thần), giảm hiệu quả của các thuốc chẹn kênh canxi.

Carbamazepin - nimodipin: CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp.

Carbamazepin-diltiazem: nên tránh phối hợp. Nếu phối hợp: giảm liều carbamazepin xuống còn 1/2 liều thông thường và hiệu chỉnh liều theo đáp ứng lâm sàng.

Carbamezepin - nifedipin, felodipin: nên tránh phối hợp. Nếu phối hợp: nên tăng liều nifedipin, felodipin và hiệu chỉnh liều theo đáp ứng lâm sàng. Theo dõi nguy cơ độc tính của carbamazepin và các dấu hiệu giảm hiệu quả điều trị của các thuốc chẹn kênh canxi.

5

Chẹn kênh canxi

(diltiazem, nimodipin,

nifedipin, felodipin)

Phenobarbital

Giảm hiệu quả của các thuốc chẹn kênh canxi.

Phenobarbital - nimodipin: CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp.

Phenobarbital-nifedipin, felodipin: nên tăng liều nifedipin, felodipin và hiệu chỉnh liều theo đáp ứng lâm sàng. Thận trọng với các thuốc chẹn kênh canxi khác (amlodipin, diltiazem, lacidipin, lercanidipin).

6

Diltiazem

Domperidon

Tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT

CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp

7

Ivabradin

Thuốc ức chế CYP3A4

(itraconazol, clarithromycin,

erythromycin, diltiazem)

Tăng nguy cơ chậm nhịp tim.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp

8

Amiodaron

amisulprid, amitriptylin,

citalopram, cloroquin,

clorpromazin, escitalopram,

haloperidol,

hydroxycloroquin

hydroxyzin,

levomepromazin,

moxifloxacin

Tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT

CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp.

9

Metformin

Thuốc cản quang iod

Tăng nguy cơ nhiễm toan lactic.

Ở bệnh nhân suy thận: CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp.

Ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường: ngừng metformin trước hoặc tại thời điểm thực hiện chiếu chụp có sử dụng thuốc cản quang chứa iod. Đánh giá lại chức năng thận sau khi chiếu chụp ít nhất 48 giờ và chỉ dùng lại metformin nếu chức năng thận ổn định.

10

Itraconazol

Midazolam

Tăng nồng độ midazolam, tăng độc tính midazolam (suy hô hấp, tăng tác dụng an thần quá mức, mất trí, tăng kéo dài tác dụng ức chế TKTƯ, rối loạn tâm thần vận động). Các phản ứng bất lợi này có thể kéo dài vài ngày sau khi ngừng thuốc chống nấm.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp

Phần lớn nhà sản xuất chống chỉ định phối hợp itraconazol và midazolam đường uống, ngay cả khi đã ngừng itraconazol 2 tuần trước đó.

- Midazolam đường IV có thể làm giảm mức độ tương tác.

- Midazolam đường uống: giảm liều tới 75% hoặc hơn, cảnh báo bệnh nhân nguy cơ an thần quá mức kéo dài, không nên làm các việc đòi hỏi tỉnh táo (lái xe) cho đến khi hồi phục.

- Midazolam IV: liều bolus có thể không cần hiệu chỉnh.

- Dùng midazolam liều cao kéo dài cần được hiệu chỉnh liều cẩn thận.

- Khi phối hợp itraconazol, giảm liều midazolam hoặc dùng các benzodiazepin chuyển hóa qua con đường glucuronid hóa (lorazepam, temazepam).

11

Atropin

Magnesi aspartat, kali aspartat

Nguy cơ tổn thương đường tiêu hóa

CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp

12

Atropin

Kali clorid

Nguy cơ tổn thương đường tiêu hóa

CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp

13

Metoclopramid

Các thuốc điều trị rối loạn tâm thần (Clorpromazin, Haloperidol)

Tăng nguy cơ các phản ứng ngoại tháp hoặc hội chứng ác tính thần kinh.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp

Nếu trường hợp phối hợp là cần thiết cần theo dõi chặt các biểu hiện ngoại tháp hoặc hội chứng thần kinh ác tính (sốt, đổ mồ hôi, nhầm lẫn, cứng cơ)

14

Clarithromycin

Colchicin

Tăng nồng độc tính của colchicine

CHỐNG CHỈ ĐỊNH phối hợp

 

Ths. Ds. Lê Diệu Huy

Tin xem nhiều

Video

Chỉ đường


Hình ảnh hoạt động

Fanpage Facebook

Thăm dò ý kiến

Ông (Bà) có hài lòng sau khi đăng ký khám bệnh không?
Có, tôi hài lòng.
Không được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng
Thủ tục rườm rà, phức tạp
Không hài lòng về thái độ giao tiếp của nhân viên y tế.
Ý kiến khác